Ngày mồng 3 tết, năm Tân Tị, tức ngày
mùng 8 tháng 2 năm 1941 Bác về đến Pác Bó. Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà
Quảng. Nơi đây núi rừng trùng điệp và địa thế hiểm trở rất có lợi cho hoạt động
bí mật của cán bộ Việt Minh, nhiều cơ sở cách mạng ở vùng Pác Bó đã được xây
dựng vững chắc. Gia đình cụ Máy Lỳ là một trong những cơ sở chúng tôi chọn làm
nơi để Bác ở và làm việc. Gia đình chỉ có ba người, cụ ông, cụ bà và cô con
gái. Nhà không được rộng nhưng thoáng mát, ngay bìa rừng và kín đáo, đi lại rất
thuận tiện. Gia đình đón tiếp Bác và chúng tôi rất thân mật.
Sau bữa cơm tết chiều mồng 3, Bác đã chỉ
thị chúng tôi phải nghiên cứu từng nơi ở và làm việc cho thích hợp và kín đáo
hơn. Bác nói đại ý: “Ở đây dựa vào dân thì có nhiều thuận lợi nhưng cũng có cái
không lợi cả cho yêu cầu hoạt động bí mật của ta mà cũng không tiện cho sinh
hoạt của dân, nên phải “sáu sán” thôi…”. “Sáu sán” tiếng
địa phương có nghĩa là vào núi. Mà đã là vào núi thì phải ở hang hoặc dựng
lán…Và ngay tối hôm đó bên bếp lửa nhà sàn, Bác hỏi cụ Máy Lỳ ở đây có chỗ nào
mưa không hắt tới không? Như vậy chúng tôi hiểu ý Bác là phải ở hang. Chúng tôi
bàn cách tìm hang. Cụ Máy Lỳ cho biết, gia đình cụ có một cái hang sâu và rất
kín dùng lánh nạn khi có biến (có phỉ về cướp, giết). Sáng hôm sau (ngày mồng 4
tết), chúng tôi mời Bác đi xem hang nhà cụ Máy Lỳ, Bác ưng ngay. Chúng tôi
quyết định tiến hành công tác chuẩn bị vào hang. Anh Phùng Chí Kiên giao cho
tôi liên hệ với cơ sở để chuẩn bị các thứ. Anh Cáp, anh Lộc được phân công trở
lại hang nghiên cứu thêm lối vào, đường ra và tình hình cụ thể trong hang.
Cụ Máy Lỳ cho chúng tôi mượn 5 tấm ván gỗ
nghiến. Ván hơi ngắn nên khi kê để ngủ phải nằm hơi co mới đủ chỗ cho 5 người.
Chúng tôi chặt cây làm một cái giá trên có tiếp
nứa để Bác và anh em đặt túi đựng quần áo.
Ngày 5 tết thì Bác và chúng tôi dọn vào
hang. Cùng ở hang với Bác có anh Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm, Thế An, anh Cáp,
anh Lộc và tôi. Nhóm công tác của chúng tôi do anh Phùng Chí Kiên phụ trách,
còn các anh Quốc Vân, Đức Thanh (tức Đàm Minh Viễn) là đường dây liên lạc đồng
thời phụ trách lực lượng vũ trang bảo vệ vòng ngoài.
Ở hang được ít lâu, chúng tôi thấy trong
người rất mệt. Sức khoẻ của Bác lúc đó cũng không được tốt lắm. Người gầy, nước
da xấu, ăn uống kham khổ mà Bác lại làm việc căng thẳng nên chúng tôi rất lo.
Tuy nói là bảo vệ Bác, nhưng thực chất Bác lại là người dạy
chúng tôi rất nhiều trong công tác bảo vệ. Bác quan tâm giáo dục chúng tôi chi
li từng việc rất bổ ích. Những việc tiếp xúc với dân trước hết phải được nhân
dân quý mến, tin tưởng nhưng đồng thời phải có câu chuyện hoá trang hợp lý đảm
bảo giữ gìn bí mật công việc cách mạng đang làm. Và thực tế chúng tôi đã làm
tốt lời Bác dạy. Những cơ sở cách mạng ở vùng Pác Bó ngay cả như anh Đại Lâm
cũng chỉ biết có cán bộ Trung ương quan trọng về nhưng không biết có bao nhiêu
người, cụ thể là ai và hiện nay ở đâu.
Còn chuyện nhận
lương thực do dân giúp đỡ, Bác dạy mỗi lúc phải có giờ giấc, cách làm, cách đi
lại khác nhau không để địch nắm được quy luật hoạt động của ta, ngày nhận lương
thực chuyển đến phải luôn thay đổi; mang lương thực trên đường phải hoá trang hợp
lý và đường đi phải có hướng thay đổi luôn. Gạo và muối do các cơ sở vận động
quyên góp không nên tập trung để ở một nhà, phải phân tán
mỗi nơi một ít. Đồ dùng cho hậu cần mượn của dân phải mỗi nhà một thứ, thậm chí
có thứ phải mượn nhiều nhà…Bác kể cho chúng tôi nghe rất nhiều những mẩu chuyện
về đời hoạt động của Bác khi còn ở nước ngoài, nội dung mỗi chuyện tuy xảy ra ở
các nước khác nhau nhưng đều nhằm giáo dục chúng tôi ý thức giữ bí mật. Cuối
cùng Bác dạy: “Trong điều kiện và hoàn cảnh cách mạng nước ta hiện nay, bí mật
phải được coi là nguyên tắc trong mọi hoạt động của Đảng…”.
Tuy nói lúc đó Pác Bó là khu vực an toàn
hơn các khu khác trong vùng, nhưng lại là nơi kẻ địch luôn dòm ngó, tìm kiếm,
tổ chức phục kích các ngả đường nghi có cán bộ ta đi qua. Cách nơi Bác về phía
bản Lũng 10 cây số, chúng dựng đồn với hơn một trung đội lính dõng do Pháp chỉ
huy tổ chức tuần tra, kiểm soát, bắt bớ hoặc càn quét những bản nghi có cán bộ
ta hoạt động. Đồng thời hoạt động của bọn phỉ lúc này cũng
rất táo tợn nên chúng tôi càng lo lắng, trăn trở về nhiệm vụ bảo vệ Bác.
Hằng ngày sau giờ làm việc buổi chiều,
Bác thường đi dạo leo núi, nhưng thực ra là Bác đi nắm tình hình khu vực, phần
lớn anh em chúng tôi hoạt động ở vùng này lâu nay quen với lội suối trèo đèo nhưng
đôi lúc phải vừa đi, vừa chạy theo kịp Bác.
Có nhiều việc rất đơn giản nhưng khi Bác hỏi anh em chúng tôi không trả
lời được. Cũng có việc chúng tôi đã làm nhưng khi nghe Bác giảng giải mới biết
mình còn đơn giản và khờ dại quá. Ý thức cảnh giác có nghĩ đến nhưng cách giữ
bí mật còn tuỳ tiện, non kém. Bác dạy chúng tôi hoạt động ở vùng núi, dân thưa,
khi đi công tác tốt nhất là phải đem theo cơm nắm. Như vậy vừa được việc mà
không gây phiền hà cho dân. Kẻ địch lại rất tinh quái, ở đâu mà chúng chẳng cài
người vào. Những bang tá, trưởng bản,…và ngay cả những gia đình dân tộc sống
ven đường đi, địch thường dùng vật chất như bạc hoa xoè, muối, vải để mua chuộc
làm chỉ điểm. Mình phải sâu sát giáo dục ý thức ủng hộ cách mạng cho đồng bào,
nhưng phải chú ý phát hiện tay chân của chúng. Trên đường đi, khi ăn cơm phải
tìm nơi suối sạch sẽ, ăn xong lá đùm cơm phải chôn sâu, tiện khi rửa tay khoát
cho nước dội hết những hạt cơm vãi xuống suối, cá được ăn mà ta lại xoá được dấu vết làm cho kẻ địch có mắt cũng như mù. Hoạt động bí mật phải “lai vô ảnh, khứ vô hình”. Chúng
ta đến địch không biết mà rút đi chúng cũng không hay, thì mới bảo vệ được mình
và có nhiều thuận lợi diệt địch.
Tới đây lực lượng cách mạng sẽ phát
triển. Kẻ địch lại tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng cách mạng. Tình hình sẽ
căng thẳng và phức tạp hơn nhiều. Chúng ta vừa phải chiến đấu vừa tăng gia sản
xuất và làm nhà ngoài rừng để ở…Tăng gia hoặc làm nhà cũng phải biết giữ bí
mật. Trồng rau hay gieo bắp cũng phải làm đúng kiểu cách của dân tộc nơi mình
ở. Làm lán ở cũng phải giống kiểu lán của đồng bào. Nếu ta làm khác đi là địch
và bọn xấu sẽ phát hiện được ngay. Khi làm lán cũng phải biết tính toán sao cho
có lợi đôi đường. Mỗi lán chỉ nên làm đủ cho 1 đến 2 người ở là cùng. Nơi làm
lán phải xem xét vừa lợi cho việc quan sát phát hiện địch từ xa nhưng đồng thời
phải có đường rút khi bị vây. Liếp che chung quanh lán không nên dùng nứa đan
vững chắc mà nên lấy cỏ tranh tết nẹp lại thành tấm để thưng. Trường hợp bị
địch vây hoặc đến gần mới phát hiện thì chỉ việc lách nhẹ qua liếp tranh cho dễ
dàng. Muốn bảo vệ Đảng, trước hết mỗi thành viên phải suy nghĩ tự bảo vệ mình.
Nghĩ lại những năm trước đây, khi Đảng bị khủng bố, nhiều đồng chí bị bắt bớ tù
tội và hy sinh, anh em chúng tôi càng thấm thía lời Bác dạy.
Ở hang đến tuần thứ
hai, chúng tôi thấy tình hình sức khoẻ của Bác có hiện tượng mệt mỏi hơn. Chúng
tôi ai nấy đều lo lắng cho sức khoẻ của Bác. Có hôm dọn vệ sinh, anh Hoàng Sâm
phát hiện thấy rắn độc chui vào hang, nằm dưới tấm phản ngay chỗ Bác. Hàng ngày
Bác vẫn mải miết làm việc, ít khi thấy Bác rảnh rỗi. Mỗi buổi đi dạo, chúng tôi
vẫn thấy Bác nhanh nhẹn, vui vẻ hoạt bát nên cũng yên lòng. Cứ dăm ba ngày cụ
Máy Lỳ lại đem lương thực vào một lần. Bác tiếp cụ rất thân mật và chuyện trò
thật vui vẻ. Ngay cả cụ Máy Lỳ cũng không biết Bác là ai. Một lần trong câu
chuyện vui, cụ hỏi tên Bác, Bác cười rồi chậm rãi giải thích: “Sáu sán” là vào
núi còn có nghĩa là “Thu Sơn”. Tên tôi là “Thu Sơn”. Từ đó mỗi lần gặp cụ Máy
Lỳ thường chào Bác bằng câu chào ké Thu Sơn (Già Thu). Chúng
tôi và một số anh em khác cũng từ đó dùng cái tên “Già
Thu” để giải thích cho các đồng chí khác khi bị hỏi về Bác mà theo nguyên tắc
không được nói rõ hơn.
Chúng tôi có ý định làm lán để Bác ở, đảm
bảo sức khoẻ hơn. Khi báo cáo ý định đó, được Bác đồng ý, chúng tôi rất mừng.
Công việc chuẩn bị được khẩn trương tiến hành. Việc tìm một địa điểm để làm lán
theo ý Bác dạy cũng rất khó. Một hôm sau giờ làm việc buổi chiều Bác đi dạo đến
một đoạn suối cách cửa hang không xa. Bác dừng lại quan sát và gợi ý chỗ này
nếu làm lán ở thì tiện nhất. Nơi Bác chỉ là một khoảng đất bằng ngay cạnh bờ
suối. Con suối nước rất trong và ngay bờ có nhiều tảng đá to và đẹp. Phải đi
ngược theo dòng chảy mới vào được của hang nơi Bác ở. Nhưng đứng ở đây nhìn lên thì lại không thấy được cửa hang. Khi có biến,
có thể theo dòng suối rút vào hang hoặc lên triền núi có rừng cây rậm cũng rất
tiện.
Thế là chúng tôi bắt tay vào công việc
dựng lán ngay. Lán rộng chỉ vừa chiếc chiếu đôi. Cửa lán hướng xuống con đường
mòn dưới thung lũng. Chung quanh cũng dùng cỏ tranh thay liếp nứa như lời Bác
dạy, nhưng bên ngoài có treo một số tàu lá cọ trông giống như những cái lán
canh nương của đồng bào. Anh Lộc hướng dẫn chúng tôi vào rừng lấy nứa tép (loại
nứa chỉ lớn bằng ngón chân cái), vót nhọn làm hàng rào chung quanh. Anh giải
thích đây là kinh nghiệm của đồng bào dân tộc thường dùng loại cây này để rào
vườn nhà vì con hổ trông thấy sợ.
Lán làm xong, chúng tôi mời Bác ra xem.
Bác rất ưng và ngay ngày hôm sau, anh Kiên mời Bác xuống lán ở và làm việc. Bác
đồng ý và chỉ ban ngày xuống lán làm việc, ăn nghỉ, còn ban
đêm lại vào hang.
Lương thực do đồng bào giúp đỡ thường là
gạo ngô (bắp bẹ) xay nhỏ và muối. Có hôm thấy gạo gần hết, Bác bảo chúng tôi
nấu cháo ngô (cháo bẹ) ăn thay bữa. Còn rau xanh chủ yếu là măng tự kiếm trong
rừng. Có hôm câu được con cá hoặc hái được ít rau rớn (loại giống cây dương xỉ
mọc ven bờ suối) thì bữa ăn được cải thiện và ngon miệng hơn. Một hôm Bác và
chúng tôi đang ăn cháo ngô, có người nói đùa đây là bánh đúc, thì Bác ung dung
đọc mấy câu thơ:
Sáng ra bờ suối
tối vào hang
Cháo bẹ rau măng
vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh
dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang…
Thơ Bác làm hiện
thực với cuộc sống quá, chúng tôi mỗi người đọc lại một câu và giải nghĩa luôn.
Đến lượt anh Hoàng Sâm đọc câu “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
thì tất cả ai cũng cười vang.
Thật vậy, tôi chen vào: Đúng hòn đá chông
chênh thật, nhưng vững lắm đấy. Thế mà có hôm anh Kiên thấy
Bác ngồi làm việc lại sợ Bác ngã.
Chúng tôi vui vẻ tranh nhau và đọc đi đọc
lại những câu thơ của Bác. Bác nhìn chúng tôi cười hiền hậu và với giọng ấm áp,
Bác nói:
- Thôi các chú ăn tiếp đi kẻo cháo bẹ
nguội mất!...
Từ xuân Tân Tị năm ấy, đến xuân Mậu Thìn
năm nay thấm thoắt đã ngót gần nửa thế kỷ trôi qua. Thế mà có dịp gặp lại, thấy
như mới hôm qua. Bác đã đi xa, nhưng biết bao kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời
người chiến sĩ bảo vệ Bác mãi mãi là những bài học truyền thống vẻ vang không
bao giờ phai.
Lê
Quảng Bá[1] kể, Cao
Bá Sanh ghi trong
Những
chuyện vui và cảm động về Hồ Chủ tịch.
NXB
Công an nhân dân, Hà Nội, 2000