Năm nay, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 4B. Ngày đầu nhận lớp nhìn những ánh mắt tròn xoe, ngây ngô của các em nhìn tôi như thăm dò khiến tôi không tìm ra được câu trả lời vì sao. Rất may mắn khi mình được làm người mẹ thứ hai của 22 đứa con ngoan ngoãn, hiền lành. Vậy mà chỉ có mình Hiếu đã làm cả lớp ai cũng phải sợ. Đó là học sinh cá biệt, bướng bỉnh, nghênh ngáo, thích quậy phá, không nghe lời...
Tôi sực nhớ lại
năm ngoái, nhà trường đã phải hẹn năm lần, bảy lượt mời phụ huynh đến trao đổi
tìm cách giúp đỡ em tiến bộ. Nhưng vẫn “chướng nào tật ấy” vẫn quậy phá làm ảnh
hưởng đến các bạn trong lớp.
Là một học sinh với khuôn mặt sáng sủa,
bầu bĩnh, lanh lợi. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau nhờ một quán bún nho nhỏ cạnh vệ
đường. “Hằng ngày phải làm việc vất vả để kiếm tiền mưu sinh và nuôi con ăn
học nên ít có thời gian chăm sóc đến con” người mẹ vừa nói nước mắt vừa
nghẹn đến cổ họng. Ấn tượng đầu tiên mà em để lại cho tôi là vết máu chảy ở
chân mà khi hỏi mới biết là do nghịch quá nên bị ngã. Nước mắt em vừa chảy vừa
mếu máo:
- Huhu...đau quá !
Lúc đó tôi chợt nhận ra em cũng là một cậu
bé dễ thương và vẫn biết khóc vì bị đau đớn. Ngày hôm đó, tôi cho em làm lớp
phó lao động với hy vọng là em sẽ có trách nhiệm hơn khi nhận trọng trách này.
Tôi thường xuyên chấm điểm, quan tâm em nhiều hơn. Ngoài ra, tôi còn về gia
đình gặp phụ huynh trao đổi giúp em tiến bộ. Đi trên con đường quê yên ả, từng
hàng cây gió đẩy xô vào nhau xào xạc chạy vào bờ lòng tôi. Tổ ấm của em đây
rồi, mái nhà ngói nho nhỏ ẩn mình sau hàng bạch đàn xanh mà sao trống vắng đến
thế. Mẹ Hiếu ngồi đó, khuôn mặt đã hiện nếp nhăm vì nhuốm màu sương gió. Ngước
nhìn quanh ngôi nhà tôi mới thấy thương em hơn. Nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế
nhựa tôi nhỏ nhẹ:
- Hiếu à! em có thấy thương mẹ không ?
Em cúi mặt xuống im lặng không trả lời. Lúc này, tôi hiểu ra
mình nên làm gì rồi.
Ngày hôm sau, tìm gặp cô giáo cũ dạy em để
thăm dò xem tính cách của em như thế nào ? Em thích gì ? Em muốn gì ? Có biểu
hiện gì ? Từ ngày đó, tôi mạnh dạn tìm mọi cách uốn nắn em. Không những trong
giờ học mà cả ngoài giờ lên lớp tôi sử dụng tất cả các tình huống sư phạm được
cô thầy dạy ở trường (vừa nịnh, vừa răn đe, vừa khen thưởng...) mỗi khi em quậy
phá. Cứ như vậy thời gian cứ dần dần trôi qua 1 tuần, 2 tuần,... và cho đến bây
giờ không ai phàn nàn về Hiếu nữa. Càng ngày em càng tiến bộ, năng nổ, hoạt bát
và có tinh thần tự giác trong học bài ở lớp cũng như ở nhà. Có một lần em chạy
đến bên tôi và thủ thỉ:
- Cô ơi ! Em đã khác rồi.
Tôi cười xoa đầu em và nói:
- Giỏi lắm, gắng lên nghe em.
Cho đến hôm nay, tôi đã thật sự yên tâm và
không còn băn khoăn về Hiếu nữa.