Có một học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường. Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải đưa em đó về tận nhà để nói chuyện với bố mẹ. Nhưng khi chưa kịp để giáo viên trình bày xong, bố của em học sinh đó đã đứng dậy tát em học sinh tới tấp vì đã làm “xấu mặt” gia đình. Vào địa vị của người giáo viên chủ nhiệm này, bạn xử lý sao đây?
1. Bạn im lặng
không nói gì vì đó là chuyện của gia đình giáo dục con cái. Và đó cũng là một
bài học cho cậu học sinh phạm tội.
2. Bạn bỏ về vì cho rằng gia
đình phụ huynh học sinh đã không tôn trọng giáo viên
3. Bạn can thiệp không cho
người bố tiếp tục đánh học sinh đó. Đồng thời bạn dùng những lời lẽ giải thích
cho vị phụ huynh hiểu đó không phải là cách giáo dục hay và yêu cầu gia đình
cùng phối hợp với nhà trường để giáo dục em.
Việc phải dẫn học sinh phạm lỗi
về tận nhà để trình bày với gia đình là “vạn bất đắc dĩ”, vì giáo viên sẽ phải
chuẩn bị “đương đầu” với những phản ứng từ phía gia đình. Nhưng thiết lập mối
quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh là một nhiệm
vụ vô cùng quan trọng. Là một giáo viên chủ nhiệm, bạn thay mặt cho nhà trường
để thực hiện sự phối hợp đó.
Trong tình huống này bạn thực
sự đã gặp phải một thách thức lớn vì phụ huynh học sinh quá nóng tính và cư xử
có phần hơi thô lỗ, đánh con ngay trước mặt giáo viên. Bạn có thể im lặng vì
nghĩ đó là quyền giáo dục con của gia đình, chỉ là một giáo viên chủ nhiệm nên
bạn không có quyền can thiệp. Sẽ có nhiều người lựa chọn phương án xử lý này vì
dù sao đó cũng là hình phạt thích đáng cho một cậu học trò nghịch ngợm. Nhưng
liệu học sinh sẽ nghĩ gì về thái độ “thờ ơ”, phó mặc đó của bạn? Biết đâu em đó
sẽ nghĩ rằng chính việc “tố cáo” của bạn là nguyên nhân khiến em phải chịu một
trận đòn ngay trước mặt “người ngoài”. Và sự bực tức, thậm chí coi thường cô
giáo sẽ ngấm ngầm hình thành và những lời dạy bảo của bạn trở nên vô tác dụng.
Dù học sinh có mắc khuyết điềm thế nào đi nữa thì không một giáo viên nào lại
muốn học sinh phải chịu những trận đòn chí mạng. Vì trách nhiệm với học sinh,
bạn sẽ không thể chọn một giải pháp chỉ vì sự “an toàn” của bản thân.
Nếu bỏ về trong lúc này thì lại
là cách xử sự hết sức sai lầm. Bạn có quyền làm điều đó vì sự tự ái trước thái
độ cư xử thiếu tôn trọng của phụ huynh học sinh. Bạn thay mặt nhà trường đến
gặp gia đình trình bày tình hình sai phạm của học sinh để cùng gia đình tìm
giải pháp giúp đỡ em chứ không phải để “tố cáo” khiến học sinh phải chịu đòn.
Chính vì thế bạn có quyền tức giận nhưng tuyệt đối không nên bỏ về vào lúc này
vì nhiệm vụ của bạn chưa được hoàn thành.
Đứng trước tình huống khó xử
này bạn nên thật bình tĩnh và khéo léo. Hãy cố gắng kiềm chế sự tự ái để nhanh
chóng tìm ra phương án xử lý. Trước hết bạn cần tìm cách chấm dứt ngay hành
động đánh con của vị phụ huynh đó và phân tích để phụ huynh nhận ra rằng trong việc
giáo dục học sinh bạo lực không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp mà đôi khi còn
phản tác dụng. Sau khi vị phụ huynh đó có vẻ bình tĩnh trở lại, bạn bắt đầu câu
chuyện của mình một cách nhẹ nhàng, cởi mở. Bạn phải giải thích cho phụ huynh
hiểu nhà trường luôn coi trọng vai trò của gia đình trong việc phối hợp để giáo
dục học sinh, nhất là khi chúng phạm lỗi. Dù đó có thể là một học sinh nghịch
ngợm, hay vi phạm nội quy của trường, lớp nhưng không bao giờ mong muốn gia
đình lại giáo dục em bằng những hình thức tiêu cực, phản khoa học như đánh đập,
chửi mắng thậm tệ, xúc phạm đến lòng tự trọng của các em. Ở độ tuổi học sinh
trung học các em đã có ý thức về cái tôi cá nhân, cần được người lớn tôn trọng.
Chính vì vậy, chỉ có sự nhẹ nhàng, ân cần nhưng tuyệt đối nghiệm khắc mới có
tác dụng khi chúng có lỗi. Bạo lực hay sự xúc phạm quá đáng chỉ khiến chúng dễ
nảy sinh tâm lý chống đối và trở nên ương ngạnh hơn mà thôi.
Những cố gắng của bạn sẽ có ý
nghĩa hơn khi thẳng thắn đề xuất với gia đình những biện pháp cụ thể để cùng
giúp đỡ em học sinh đó tiến bộ. Sự điềm tĩnh, khéo léo và tình thương yêu,
trách nhiệm với học trò là điều kiện quan trọng để bạn xử lý thành công tình
huống này.